Lý Nhân Phan Thứ Lang: Ngòi bút thăng trầm cùng những biến thiên lịch sử

VHO- Vừa qua, tại Đường sách TP.HCM, Saigon Books phối hợp cùng Hội quán các bà mẹ đã tổ chức buổi tọa đàm Lý Nhân Phan Thứ Lang - Ngòi bút thăng trầm cùng những biến thiên lịch sử. Tại đây, khán giả được nghe các diễn giả chia sẻ câu chuyện về những giai thoại lịch sử của hoàng tộc, đặc biệt là về Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng đế Bảo Đại; bên cạnh đó là giới thiệu ba tác phẩm của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang gồm: Sài Gòn vang bóng, Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng, Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng.

Lý Nhân Phan Thứ Lang: Ngòi bút thăng trầm cùng những biến thiên lịch sử - Anh 1

Cuộc đời của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương trong tác phẩm của Lý Nhân Phan Thứ Lang được coi như phác thảo chân thật nhất

Tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang tên thật là Phan Kim Thịnh (sinh năm 1936, quê Hà Nam). Ông tham gia viết báo tại Sài Gòn từ năm 1959 và từng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Văn học. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục viết sách về các nhân vật lớn của giai đoạn trước 1975 như Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng đế Bảo Đại, Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Nhu, Phạm Ngọc Thảo… các tác phẩm đã và đang để lại dấu ấn mạnh mẽ với độc giả. Bởi, là người từng sống qua giai đoạn đó, có cơ hội tiếp xúc cùng nhân vật và tiếp cận các nguồn tư liệu khác nhau nên sách của ông không chỉ đơn thuần là bản phác thảo về chân dung nhân vật mà còn được xem như tư liệu tham khảo hữu ích cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử. Sau thời gian ốm nặng vì tuổi cao sức yếu, ngày 4.6 vừa qua, ông ra đi tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) trong sự tiếc thương của bạn văn khắp nơi.

Chương trình ngoài việc tri ân, tưởng nhớ tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, còn là dịp để bạn đọc cùng trò chuyện và hoài niệm về những ký ức Sài Gòn xưa với đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, người đã chứng kiến và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nước nhà. Đạo diễn Xuân Phượng cho biết, mình được chứng kiến hai cột mốc đáng nhớ của lịch sử dân tộc: Đó là vào năm 17 tuổi, bà tận mắt chứng kiến Hoàng đế Bảo Đại thoái vị tại Huế và năm 37 tuổi bà cùng đoàn làm phim quay được cảnh Dương Văn Minh cùng Ban nội các từ giã Dinh Độc Lập năm 1975. Bên cạnh đó, bà Xuân Phượng cũng có nhiều chia sẻ thú vị về tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang. Theo bà, đã có nhiều tác giả viết về Nam Phương Hoàng hậu, tuy nhiên Lý Nhân Phan Thứ Lang là người trực tiếp được gặp bà hoàng nổi tiếng, nên tác phẩm của ông mang một sức hút riêng. Giai đoạn 1938-1939, Hoàng hậu Nam Phương có chuyến thăm Bắc Hà, tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang lúc bấy giờ đang theo học tại Trường Masơ Hà Nội và được lên tặng hoa Hoàng hậu. Ông đã được bà Nam Phương xoa đầu và chính hình ảnh quá đẹp, quá dịu dàng, trang nhã của Nam Phương đã khiến ông có quyết tâm viết về vị Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Nhận xét về tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, Chủ tịch HĐQT Saigon Book Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết, tác giả là người chịu khó tìm kiếm tư liệu, nghiên cứu và tiếp xúc với những nhân chứng sống. “Lý Nhân Phan Thứ Lang vừa là cây bút nổi tiếng, vừa nổi tiếng vì có kho tư liệu đồ sộ. Trước đây, khi làm chủ bút Tạp chí Văn học, ông thu thập được rất nhiều tư liệu và đó chính là khởi nguồn để ông chuyên viết về mảng nghiên cứu nhân vật. Những người viết sau này khi tìm hiểu về Sài Gòn trước 1975 đều đến gặp Lý Nhân Phan Thứ Lang để học hỏi và xin tư liệu”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ và cũng tiết lộ, hiện tại mình đang lưu trữ tất cả tư liệu cũng như bản thảo của Lý Nhân Phan Thứ Lang sau khi tác giả qua đời. Tuy nhiên, đối với bản thảo đang giữ, ông chưa biết bao giờ sẽ in thành sách bởi “cần phải có một người biên tập và một người hiểu về giai đoạn lịch sử đó để thẩm định thì có thể xuất bản”.

Cũng nhân dịp này, độc giả được tiếp cận gần hơn với những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang. Nếu như cuộc đời của vị vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương vẫn bị bao phủ bởi những giai thoại, mà phần nhiều trong số đó là “bảy thực, ba hư” thì trong tác phẩm của Lý Nhân Phan Thứ Lang lại có một phác thảo chân thật nhất, khi ông “tẩn mẩn” nghiên cứu cả tài liệu nước ngoài hay cuốn hồi ký của vị vua này. Đặc biệt, Sài Gòn vang bóng có thể coi là cuốn phim tài liệu sống động về vùng đất Sài thành. Đó là chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay, Dinh Xã Tây (tức tòa nhà UBND TP.HCM hiện thời), Phủ đầu rồng (tức Dinh Độc Lập) được xây dựng như thế nào; những chuyện ly kỳ về chùa Khải Tường được giải mã ra sao... Có thể nói, những câu chuyện liên quan đến các di tích lịch sử và nhân vật nổi tiếng thoạt nghe qua thấy rất quen, tưởng như đã đọc, đã biết từ lâu rồi, thế nhưng bên cạnh những điều quen thuộc vẫn có những góc lạ riêng biệt. Cái sự lạ ấy trước hết là do sự “khúc xạ” của ký ức tác giả, cũng như nhờ vào những “kỳ duyên” mà ông có được tư liệu gốc. Những tư liệu này, hầu hết được ông xử lý một cách thận trọng, có sự đối sánh ở nhiều góc độ và rà soát ở những nhân chứng sống. Cũng chính điều này đã tạo nên tên tuổi của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, một ngòi bút thăng trầm giữa muôn ngàn biến thiên của lịch sử. 

BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc